10 điều nên biết khi bạn chuẩn bị vượt cạn

Bạn đang mang thai đúng không? Bạn sắp có được một cảm giác thật tuyệt vời đó bạn có biết không? Chín tháng cùng con lớn mỗi ngày trong bụng mình, bạn có thấy mình và con có mối quan hệ thân thiết như thế nào không? Đó là cảm giác tuyệt vời mà chỉ có nửa thế giới biết được mà thôi. Bạn có thấy mình đặc biệt không? Nó sẽ càng đặc biệt hơn nếu đây là lần đầu tiên bạn được làm mẹ. Con bạn đang lớn mỗi ngày, bạn đã chuẩn bị gì để vượt cạn và chăm sóc con trong những ngày sắp tới chưa? Mình xin chia sẻ với bạn những kinh nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ có ích cho bạn trong giai đoạn đầu tiên này.

1. Mua sắm đồ cho con

Người ta nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ông bà ta vẫn thường nói câu nói đó không nên mua đồ cho bé lúc thai còn nhỏ quá. Mình thì áp dụng câu nói đó theo cách khác, tất nhiên mình sẽ mua sắm đồ dùng cho con khi thai bắt đầu sang tháng thứ 7. Lúc đó bạn cơ bản cũng biết con mình là trai hay gái rồi. Mình mua sắm những vật dụng cho con cũng tiện hơn.  Đồ dùng sơ sinh thì trai gái gì cũng có thể dùng được, nhưng nếu là con gái mình chọn những thứ màu hồng, màu trắng hay xanh da trời sẽ đẹp hơn, còn con trai mình chọn xanh hay vàng sẽ đẹp. Không lẽ con trai xài toàn màu hồng còn con gái xài toàn màu xanh cũng không hay.

2. Cùng con vượt cạn

Sau khi mua đồ dùng về bạn giặt thật sạch, ủi cho thẳng và gấp lại cho vào tủ.  Khi thai đã bước sang tuần thứ 36 thì bạn cho những vật dụng nào cần thiết dùng trong bệnh viện vào một cái túi xách. Nếu bạn đau bụng bất tử cần nhập viện gấp thì chỉ cần lấy đi mà thôi.

3. Thời gian ở cử

Bạn sinh con còn trong tháng nhất định là cần có người chăm sóc bạn. Hiện nay, bác sĩ hầu như khuyên không nên xông hay hơ cho mẹ cũng như cho bé. Tuy nhiên có những bậc cha mẹ vẫn áp dụng cách làm truyền thống này. Bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé.  Khi tắm và gội đầu bạn nên chọn lúc thời gian còn nắng ấm, gội nhanh tóc và lau khô nhanh nhất có thể. Ăn uống đủ chất và vẫn duy trì uống sữa đều đặn nhé. Điều này làm bạn có nhiều sữa và chất lượng sữa mẹ tốt hơn.

Bé sau khi xuất viện về nhà bạn cũng nên phơi nắng bé mỗi sáng. Khi phơi nắng cần cởi hết quần áo, chỉ che lại mắt và bộ phận sinh dục của bé mà thôi. Phơi nắng khoảng 15-30 phút một ngày. Bạn cũng nhớ chọn nơi nào khuất gió nhé.

4. Cho bé bú

Sau khi sinh bạn nên cho bé bú ngay, không nên nặn những giọt sữa đầu tiên bỏ đi theo như lời những cụ ngày xưa. Vì đó là sữa non, rất tốt cho bé. Sữa của bạn sẽ có nhiều hơn từ 2-3 ngày sau sinh. Tuy nhiên do mới sinh bạn chưa có sữa cho bé bú thì bạn cũng nên mua 1 hộp sữa dành cho bé từ 0-6 tháng tuổi. Bạn chỉ mua hộp nhỏ thôi nhé.

Bạn cho bé bú mẹ rất tốt cho bé và cho cả mẹ nữa. Thời gian cho con bú sẽ trở thành thời gian gắn kết nhất của mẹ và con. Bạn sẽ thấy yêu biết mấy cái miệng xinh xinh, đôi mắt nhìn mẹ thật ngây thơ. Đó là món quà tuyệt nhất mà Thượng đế ban cho người mẹ. Bé sẽ bú liên tục khoảng  8-9 cử một ngày đêm. Cứ cách khoảng 2-3 tiếng thì bạn cho bé bú một lần.

5. Tắm cho bé

Khi mới sinh trong tháng đầu tiên, bạn cần nhờ đến người khác tắm cho bé. Sau thời gian ở cử, bạn có thể tự mình tắm cho bé. Bé cần tắm mỗi ngày một lần. Bạn không nên tắm bé sau 5 giờ chiều.

6. Giấc ngủ của bé

Đối với trẻ sơ sinh bé ngủ cả ngày. Sau 1 tháng bé có thời gian thức nhiều hơn nhất là vào ban ngày. Bạn có thể tranh thủ chơi và nói chuyện cùng bé. Lúc này bé dần phân biệt được thời gian ngày và đêm. Khi ngủ bạn chỉ nên để đèn ngủ mờ thôi, không nên để sáng quá, giúp bé dễ dàng nhận biết thời gian ngủ.

Nếu bé ngủ ít hay giật mình nhiều khi ngủ, bạn nên đưa con đi gặp bác sĩ để được tư vấn.

7. Cho bé ăn

Theo như lời bác sĩ là bạn nên nuôi con 6 tháng đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ, con từ 6 tháng thì bắt đầu cho ăn dặm. Bạn có thể sử dụng những loại bột ăn dặm có bán trên thị trường. Ban đầu bạn cho bé ăn ít và lỏng thôi. Nguyên tắc là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Thời gian này bạn cũng đã có thể cho bé thử ăn thêm trái cây, sữa chua, phô mai, ván sữa… và cũng nhớ theo nguyên tắc trên nhé.

8. Về cân nặng của bé

Tháng đầu tiên trong cuộc đời ngoài bụng mẹ bé sẽ tăng cân rất nhanh, thông thường từ 1-1,5kg, từ tháng thứ 2 trở đi bé sẽ tăng cân ít hơn khoảng 500g -1kg mà thôi. Nếu con bạn tăng cân đều và nằm trong vùng an toàn của biểu đồ cân nặng thì yên tâm nhé.

9. Mọc răng

Vấn đề này tuỳ theo cơ thể từng bé, có những bé mọc răng khá sớm nhưng mình thấy bé nhà mình và bạn bè thì tầm tháng thứ 8 bé mới bắt đầu mọc hai răng sữa đầu tiên ở hàm dưới, sau đó 2-3 tuần sẽ mọc hai cái tiếp theo ở hàm trên. Cứ như  vậy sau 30 tháng bé sẽ mọc được 20 cái răng sữa, và như vậy là đủ răng sữa rồi nhé. Bé sẽ thay răng vĩnh viến khi bé được 6-7 tuổi.

10. Bé bị bệnh

Do thời tiết thay đổi, do mọc răng hay do chích ngừa bé đều có thể bị sốt. Bạn trang bị nhiệt kế và thuốc hạ sốt theo liều lượng bác sĩ cho tại nhà.  Bạn chỉ nên cho bé uống thuốc hạ sốt hay đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn cho bé khi nhiệt kế ở mức 38,5 độ nha. Không được lạm dụng thuốc hạ sốt đâu, cũng không nên sờ thấy bé nóng là cho uống thuốc cũng không đúng. Dù bé có bất cứ triệu chứng bệnh gì cũng nên dẫn bé đến bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc và cho bé uống đâu nhé.

Chúc mẹ luôn khoẻ và chuẩn bị sẳn sàng đón con yêu chào đời nhé!

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.